Số liệu này được đưa ra trong hội thảo “Cơ chế tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo” tổ chức tại khách sạn Sheraton Hà Nội ngày 24/8.
“Các tổ chức hỗ trợ vốn của Nhà nước dành cho khởi nghiệp nên bắt đầu hỗ trợ vốn từ những giai đoạn ban đầu và phải chấp nhận rủi ro”, bà Phan Hoàng Lan – Trưởng nhóm nghiên cứu điển hình về IPP2 nói tại hội thảo.
Tại Việt Nam, nguồn vốn dành cho khởi nghiệp Việt Nam rất hạn chế.
Theo bà, 80% các công ty khởi nghiệp thất bại do không đủ vốn để “sống sót”.
Mặc dù những năm 2016, 2017, số lượng khoản đầu tư tăng gần gấp đôi, chất lượng hay tổng vốn đầu tư tăng 50%.
Tổng vốn đầu tư vào Việt Nam chưa chiếm tới 1% trên toàn ASEAN. Thị trường còn nhiều khoảng trống và cần nhiều sự hỗ trợ từ các nguồn đầu tư khác nhau.
“Mong muốn của IPP2 (chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan giai đoạn 2) là chứng minh được các doanh nghiệp khởi nghiệp cần nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước ngay từ giai đoạn ban đầu.
Nhà nước cần tham gia và chấp nhận thất bại, cũng như hiểu rằng việc đầu tư này sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Nếu không chấp nhận rủi ro thì không bao giờ có thể đầu tư được cho khởi nghiệp và có thể gặt hái được ‘quả ngọt'”, bà Phan Hoàng Lan nói.
Thống kê từ các nghiên cứu quốc tế, công ty khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới.
Tại Mỹ, từ 1977-2005, số lượng việc làm hầu hết hình thành từ các công ty khởi nghiệp.
Khác với công ty, tập đoàn lớn khi nguồn nhân lực của họ bị đóng khung trong những cấu trúc có sẵn, các startup là nhân tố mới, sáng tạo và góp phần giúp nền kinh tế trở nên đa dạng hơn.
Ngay cả khi thất bại, các doanh nhân có thể làm cho các công ty, tập đoàn khác.
Những kỹ năng mà họ trau dồi được cũng không hề mất đi mà vẫn đóng góp vào sự thành công chung của nền kinh tế.
Bà cũng đưa ra khuyến nghị, Nhà nước phải thực sự giảm thiểu thủ tục hành chính.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần chú ý đến hỗ trợ phi tài chính. Theo bà, khi đưa ra những chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, cơ quan quản lý không nên quá ‘cứng nhắc’ trong việc đặt ra yêu cầu.
Đồng thời, nên công nhận các mô hình như nhà đầu tư thiên thần, mô hình bao thanh toán, quỹ đầu tư của nhà nước vào các quỹ khác (fund-of-funds), sàn trao đổi về vốn cho các bên đầu tư khởi nghiệp…
Trong những năm qua, IPP2 cho biết đã tiên phong thử nghiệm ở Việt Nam mô hình mới trong hỗ trợ xây dựng chính sách, đào tạo và xây dựng năng lực, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Ông Jouko Ahvenainen – chuyên gia tài chính, đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo quốc tế khẳng định, vai trò của nhà nước là rất quan trọng đối với các công ty khởi nghiệp sáng tạo.
Ngoài ra, công nghệ đang thay đổi thị trường tài chính mạnh mẽ và Việt Nam có nhiều cơ hội “đi tắt đón đầu”, tận dụng hoặc bỏ qua những mô hình khởi nghiệp đã có phần lỗi thời trên thế giới.
IPP2 là chương trình hợp tác phát triển giữa hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan, do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Ngoại giao Phần Lan thực hiện trong giai đoạn 2014 – 2018 với tổng ngân sách 11 triệu Euro.
Tại hội thảo, nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế của IPP2 đã giới thiệu các kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và thảo luận về những khuyến nghị liên quan tới cơ chế tài chính hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam.
Năm 2017, IPP2 đã tổ chức Nhóm nghiên cứu trẻ trong nước kết hợp với các chuyên gia Phần Lan xây dựng Tài liệu thảo luận chính sách về cơ chế tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trên cơ sở nghiên cứu điển hình về kinh nghiệm của IPP2, bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam và các mô hình tài trợ khởi nghiệp trên thế giới, từ đó đúc rút các khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam.
Theo Hà Trương