Bệnh Gout (gút) là một dạng viêm khớp phổ biến và phức tạp có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân bệnh gout có thể do chế độ ăn quá nhiều thịt, protein, tiền sử gia đình mắc bệnh gout… Dấu hiệu đặc trưng của bệnh gút là các cơn đau, sưng, đỏ và đau đột ngột, dữ dội ở một hoặc nhiều khớp, thường bị ở ngón chân cái.
Cơn gút có thể xảy ra một cách đột ngột, không hề có dấu hiệu phát bệnh trước đó khiến người bị bệnh gút thường thức giấc lúc nửa đêm với cảm giác ngón chân cái như bị bỏng. Khớp bị gút thường nóng, mềm nhũn, sưng tấy lên.
Mục Lục
Cơ chế và nguyên nhân bệnh Gout (gút)
Nguyên nhân bệnh gout
Bệnh gút sẽ xảy đến với những người có nồng độ axit uric trong cơ thể ở mức cao. Các yếu tố làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể bao gồm
Chế độ ăn
- Nếu bạn đang có một chế độ ăn nhiều thịt đỏ, món ăn sử dụng nội tạng động vật thì cơ thể bạn sẽ phải tiết ra rất nhiều nồng độ axit uric. Nếu cơ thể bạn không thể phân hủy được hết axit uric thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh Gout rất cao. Vì vậy, cần tìm hiểu thêm bệnh gút kiêng ăn gì để tránh ăn những loại thực phẩm chứa nhiều axit uric.
- Uống nhiều đồ uống có đường trái cây (fructose), rượu, đặc biệt là bia, cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút.
- Nếu bạn bị thừa cân, cơ thể bạn sẽ sản sinh ra nhiều axit uric hơn so với người có cân nặng bình thường. Thận của bạn cũng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc đào thải axit uric.
Bệnh tật
- Một số loại bệnh như huyết áp cao không được điều trị, các tình trạng mãn tính như tiểu đường, béo phì, hội chứng chuyển hóa và các bệnh tim và thận có khả năng gây ra bệnh gút. Nếu người bệnh gút có dấu hiệu hoặc được chẩn đoán mắc những căn bệnh trên, có khả năng nguyên nhân bệnh gout của người đó là do những căn bệnh nền trước đó.
- Một số loại thuốc để điều trị bệnh như Aspirin liều thấp và một số thuốc dùng để kiểm soát việc tăng huyết áp như thuốc lợi tiểu thiazid, thuốc ức chế men chuyển (ACE), thuốc chẹn beta cũng có thể làm tăng nồng độ axit uric.
Tiền sử gia đình mắc bệnh gút
Nguyên nhân bệnh gout ngoài do ăn uống, bệnh nền còn có thể do tiền sử gia đình mắc bệnh gout. Nếu các thành viên khác trong gia đình bạn từng bị bệnh gút, bạn có nhiều khả năng cũng mắc căn bệnh này.
Độ tuổi và giới tính
Bệnh gout là loại bệnh thường gặp hơn ở nam giới. Lý do chủ yếu vì cơ thể nữ giới thường có nồng độ axit uric thấp hơn. Tuy nhiên, sau thời kỳ mãn kinh, nồng độ axit uric của nữ giới có thể gần ngang với mức của nam giới.
Nam giới có nhiều khả năng phát triển bệnh gút sớm hơn, thông thường sẽ xuất hiện khi nam giới ở độ tuổi từ 30 đến 50. Còn phụ nữ thường phát triển các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gout sau khi mãn kinh.
Cơ chế cơ thể tạo ra bệnh Gout
Cơ thể tạo ra axit uric khi nó phân hủy purin. Tuy nhiên vì một số nguyên nhân từ yếu tố bên ngoài hoặc bên trong khiến cơ thể chứa quá nhiều purin, vì vậy cơ thể phải tạo ra nhiều axit uric để có thể phân hủy purin. Khi nồng độ axit uric trong máu ở mức cao sẽ hình thành nên các tinh thể urat. Các tinh thể này tích tụ lại trong khớp, gây ra bệnh Gout.
Để tránh cơ thể tiết ra nhiều axit uric gây nên bệnh Gout, cần hạn chế nạp vào cơ thể các loại thức ăn chứa quá nhiều purin. Một số loại thực phẩm chứa nhiều purines người bệnh Gout cần tránh như:
- Thịt đỏ và nội tạng nội tạng động vật như thịt bò, gan, phổi lợn…
- Hải sản giàu purin bao gồm cá cơm, cá mòi, trai, sò điệp, cá hồi và cá ngừ.
- Đồ uống có cồn, đặc biệt là bia và đồ uống có đường trái cây (fructose) sẽ làm tăng nồng độ axit uric trong máu.
Thông thường, axit uric hòa tan trong máu, đi qua thận vào nước tiểu. Tuy nhiên nếu cơ thể tạo ra quá nhiều axit uric hoặc thận hoạt động kém, bài tiết ra quá ít axit uric thì axit uric có thể tích tụ, tạo thành các tinh thể urat sắc nhọn như kim trong khớp hoặc mô xung quanh gây đau, viêm và sưng.
Ai bị khả năng bị bệnh gút?
Bệnh gút có thể xảy đến với bất kỳ ai. Căn bệnh này thường xảy ra sớm hơn ở nam giới và thường xảy ra sau thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ. Nam giới có thể mắc bệnh này gấp ba lần phụ nữ vì họ có nồng độ axit uric hầu như luôn ở mức cao. Thông thường nữ giới đạt đến mức axit uric cao, gây nguy cơ mắc bệnh gout sau khi mãn kinh.
Một người sẽ có nhiều khả năng bị bệnh gút hơn những người khác nếu họ:
- Béo phì, thừa cân
- Suy tim sung huyết (tim hoạt động yếu)
- Mắc căn bệnh tiểu đường
- Đang uống thuốc nước (thuốc lợi tiểu)
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh gút.
- Bị tăng huyết áp (huyết áp cao)
- Mắc căn bệnh liên quan đến thận (thận có chức năng lọc axit uric, nếu thận yếu không đào thải được axit uric thì đây sẽ là nguyên nhân bệnh gout)
- Ăn một chế độ ăn quá nhiều protein động vật
- Uống nhiều bia rượu
Bệnh gút có thể xảy đến với nhiều loại lứa tuổi, giới tính. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân bệnh gout và thiết kế chế độ ăn lành mạnh, hạn chế đồ uống quá nhiều đường cũng như các loại nước uống có cồn để tránh bị hành hạ bởi các cơn đau nhức thường xuyên do bệnh gout đem đến.