Giới tài chính đang chênh vênh trên sợi dây mỏng manh công nghệ vì đây từng là tác nhân tạo nên cú trượt dài của ngành tài chính trong quá khứ, liệu công nghệ sẽ lại là mồi lửa làm bùng lên cuộc khủng hoảng tài chính lần 2 chăng?

Một trong những nguyên nhân châm ngòi cho cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 chính là những thay đổi trong lĩnh vực công nghệ. Số hóa ngành tài chính đã chuyển hóa thông tin tài chính thành các chuỗi số không và một, tạo nên các công cụ tài chính phái sinh, thứ đã dồn hệ thống tài chính đến bờ vực sụp đổ.

Đặc điểm lớn nhất của các công cụ tài chính phái sinh là khả năng liên kết với công cụ tài chính đã có. Tuy vậy, ở công cụ đầu tư này, mối liên kết giữa các khoản vay thế chấp hay cổ phiếu với các tài sản đảm bảo, chẳng hạn như bất động sản hay công ty huy động vốn, đều hết sức mong manh.

Nếu thị trường tài chính vẫn ổn định, sợi dây kết nối quá yếu ớt trên sẽ không là một mối lo.

Nhưng khi thị trường biến động, lợi thế đòn bẩy của công cụ tài chính phái sinh sẽ trở thành mũi dao bén có nguy cơ bị lợi dụng bởi những thế lực bất chấp đạo đức để làm giàu.

Sẽ sáng suốt nếu loại bỏ các công cụ tài chính rủi ro này, nhưng chúng vẫn tiếp tục tồn tại, như bằng chứng cho thấy sự mục rỗng đạo đức của hệ thống tài chính, nơi người mua và người bán xem nhẹ giá trị của nguồn vốn.

Trong khi đó, các cơ quan điều tiết ngành, dù luôn chủ trương đề cao cảnh giác, lại thất bại khi giải quyết những rủi ro của công cụ tài chính phái sinh sau khủng hoảng.

Trong khi thị trường tín dụng tìm mọi cách tăng cường rào chắn bảo vệ người cho vay, thị trường chứng khoán lại cố sức đạp đổ hàng rào ấy.

Đơn cử như một phát minh độc hại của thị trường chứng khoán: quỹ hoán đổi danh mục, hay được biết đến với tên gọi ETFs. Hình thức đầu tư này hứa hẹn ít tốn kém, dễ thực hiện và giúp nhà đầu tư chạm tới mọi cổ phiếu mong muốn mà không cần phải chủ động tìm hiểu quá nhiều về thị trường.

Xét về bản chất, ETFs được xây dựng dựa trên nguyên lý đầu tư gián tiếp, y hệt như công cụ tài chính phái sinh. Có thể nói đó là công cụ dành cho những kẻ ngờ nghệch, chỉ biết liên tục bơm tiền vào một thị trường luôn dựa dẫm vào thanh khoản ngân hàng trung ương lúc lâm nguy. ETFs, cùng những người khởi xướng của nó, đã tạo ra một thế hệ những nhà đầu tư ít hiểu biết, tự mãn và kiêu ngạo nhất lịch sử ngành tài chính.

Hiện tại, hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đô la Mỹ cổ phiếu của các ngân hàng trung ương, quỹ đầu tư quốc gia và những nhà đầu tư không chuyên cùng gần tỉ đô la Mỹ được chi ra mỗi năm để mua lại cổ phiếu doanh nghiệp, tất cả những khối tài sản này đều được dựng lên từ tín dụng giá rẻ và thị trường không minh bạch, và trở thành bệ đỡ giá cho ETF FAANG, danh mục cổ phiếu của năm công ty công nghệ “máu mặt” nhất thị trường.

Hãy nhìn vào những chiếc ô tô điện, phương tiện di chuyển được tung hô sẽ cứu rỗi trái đất. Mấy ai nhìn chúng và nghĩ tới những viên pin ô tô sau khi sử dụng sẽ trở thành tác nhân gây ô nhiễm môi trường?

Tương tự, sự trỗi dậy của Facebook, Apple Amazon, Netflix hay Alphabet (công ty mẹ của Google) của danh mục FAANG không chỉ cải thiện chất lượng đời sống con người, chúng còn đi đôi với số người tự tử và dùng chất gây nghiện cao đột biến tại Mỹ. Liệu đây chỉ là sự trùng hợp, hay là hậu quả của sự cô đơn và vị kỷ được nuôi dưỡng bởi kỉ nguyên công nghệ?

FAANG ETFS

Xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu những gã khổng lồ công nghệ tập trung vào nghiên cứu y học và tạo ra các đột phá trong sản xuất, thay vì chăm chăm kiểm duyệt, đọc nội dung mail hay tìm hiểu sở thích của người tiêu dùng bằng mọi giá. Công nghệ không còn đơn thuần tốt đẹp như mục đích sinh ra ban đầu nữa, khi các doanh nghiệp sử dụng chúng để dập tắt những tiếng nói khác biệt và đưa con người vào vòng luẩn quẩn những hoạt động buồn chán để giết thời gian.

Nhà kinh tế học George Gilder từng nhận định thời hoàng kim của FAANG đã qua, tiếp đến sẽ là thời đại của các danh mục đầu tư trên cơ sở blockchain.

Tuy vậy, blockchain là một công nghệ vẫn còn đang trong giai đoạn trứng nước và được xem là mối đe dọa đến bộ máy công nghệ hiện tại. Để hiểu được đường đi nước bước tương lai của giới công nghệ thông tin và tài chính, việc tìm hiểu kiến thức liên quan tới công nghệ mới mẻ này vô cùng quan trọng, bởi xét cho cùng, trái đất này vẫn quay và thế giới vẫn tiếp tục thay đổi, dù ta muốn hay không.

Theo Forbes VN

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *