“Hãy giới thiệu về bản thân bạn trong 1 phút” thường là câu hỏi đầu tiên được các nhà tuyển dụng đưa ra. Tự giới thiệu về bản thân là cách giúp nhà phỏng vấn hiểu sơ lược về bạn cũng như là cách để tạo bầu không khí gần gũi. Đây cũng chính là cơ hội đầu tiên để bạn thể hiện những mong muốn nguyện vọng đối với công việc. Tuy nhiên, đôi khi bạn cũng nên PR bản thân mình trong phần này để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Vượt qua câu hỏi này sẽ giúp bạn tự tin hơn trong những câu hỏi tiếp theo.

Nhiều ứng viên vẫn còn rất “ngây thơ” khi đưa ra một phát biểu dài về tiểu sử của mình, cấp 3 học trường nào, gia đình có bao nhiêu người, sở thích là gì?… Đó không phải là câu trả lời nhà tuyển dụng muốn được nghe. Hãy nhớ rằng:

Phong thái của bạn chính là thông điệp gửi tới nhà tuyển dụng. Người phỏng vấn không quan tâm nhiều tới câu trả lời của bạn ra sao mà muốn thấy được sự tự tin, nhiệt tình và cảm xúc trong cách bạn trả lời.

Tốc độ trả lời chính là đáp án cho câu hỏi. Sai lầm lớn nhất bạn có thể mắc phải là ấp ủng, tạm dừng, luống cuống khi trả lời bởi điều đó chứng tỏ bạn thiếu tự tin và không hiểu rõ chính bản thân mình.

Một số mục cơ bản cần trình bày:・ Họ tên・ Tóm tắt quá trình học tập và làm việc・ Chuyên môn・ Sở thích, sở trường

Dù có trình bày vấn đề gì cũng nên trình bày một cách ngắn gọn, rành mạch, dễ hiểu. Trong buổi phỏng vấn, ở những phần mà người phỏng vấn đặc biệt có hứng thú muốn nghe, bạn nên đi vào chi tiết vấn đề và tập trung trình bày những từ khóa.

Dưới đây là một số cách trả lời dễ ghi điểm với nhà tuyển dụng bạn có thể tham khảo cho lần phỏng vấn tới của mình:

TRƯỚC HẾT, HÃY HIỂU NHÀ TUYỂN DỤNG MUỐN GÌ

Khi nhà tuyển dụng yêu cầu bạn giới thiệu về bản thân không có nghĩa là nhà tuyển dụng muốn nghe về tiểu sử của bạn, gia đình bạn có bao nhiêu người, cấp 3 bạn học trường nào… Thay vào đó, họ cần biết về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm việc làm và lợi ích mà bạn sẽ mang đến cho doanh nghiệp. Vì vậy, trong phần giới thiệu bản thân khi đi phỏng vấn, bạn hãy đề cập đến những vấn đề sau:

Thông cá nhân cơ bản: Họ tên, năm sinh, công việc hiện tại.

Giới thiệu ngắn gọn về quá trình học tập (Đại học, Cao đẳng, Trung cấp…) và kinh nghiệm làm việc.

Những điểm mạnh của bản thân có liên quan đến vị trí công việc mà bạn đang phỏng vấn.

Thành quả bạn đã đạt được trong công việc trước đó và sự hiểu biết của bạn về vị trí, công việc bạn đang ứng tuyển.

Cách bạn nhìn nhận về khả năng, sự đóng góp của mình đối với công việc đang ứng tuyển.

SỬ DỤNG BÍ QUYẾT GIỚI THIỆU BẢN THÂN CHUẨN VÀ THU HÚT

Không chỉ cần biết những thông tin cơ bản, thông qua phần giới thiệu bản thân khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng còn muốn thấy thái độ, sự tự tin, kỹ năng mềm của bạn để có những nhận định, đánh giá ban đầu. Do đó, khi giới thiệu bản thân, bạn cần chú ý những vấn đề sau:

1. Hãy giới thiệu bản thân một cách ngắn gọn, súc tích, không nói quá nhanh hay quá chậm, không thể hiện sự lúng túng, rụt rè vì nó sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng, chính bạn cũng không hiểu bản thân mình có gì, cần gì. Để có phần giới thiệu trôi chảy, rành mạch, bạn nên tập trước ở nhà, soạn sẵn các bài mẫu giới thiệu bản thân khi phỏng vấn và tập luyện kỹ càng, nhờ bạn bè hay một ai đó nhận xét để sửa những lỗi cơ bản.

2. Phần giới thiệu kỹ năng, kinh nghiệm, bạn nên nhấn vào những tiêu chí tuyển dụng của nhà tuyển dụng, không trình bày lan man và nói hết những gì mình có. Chẳng hạn, bạn đang ứng tuyển vị trí Phụ bếp nhà hàng, bạn có thể nói về kinh nghiệm mình từng làm Phục vụ nhà hàng, từng tham gia các khóa học nấu ăn, có niềm đam mê yêu thích nấu ăn… Lưu ý, đây chỉ là câu hỏi để bắt đầu phỏng vấn, bạn không cần phải thể hiện tất cả ở phần giới thiệu này.

3. Khi giới thiệu bản thân, bạn cần thể hiện sự tự tin nhưng hãy khiêm tốn, tránh thái độ khoe khoang, tự mãn về bản thân mình.

4. Ngôn ngữ cơ thể cũng góp phần quan trọng để khiến phần giới thiệu bản thân khi phỏng vấn của bạn trở nên ấn tượng hơn. Một ánh mắt chân thành, duy trì giao tiếp bằng mắt, một dáng ngồi vững chãi, giọng nói dễ nghe… chắc chắn sẽ để lại thiện cảm với nhà tuyển dụng.

5. Sau khi giới thiệu bản thân, hãy lịch sự chờ đợi câu hỏi tiếp theo từ nhà tuyển dụng.

Bạn phải phản ứng nhanh và sáng tạo để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Hãy chuẩn bị trước cho mình một phần giới thiệu bản thân thật ấn tượng để tự tin trả lời nhé! Hi vọng bài viết trên đây sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình phỏng vấn. Chúc bạn thành công.

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *