Kết quả từ các chỉ số kinh tế 9 tháng vừa qua nói lên rằng nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng khá đồng đều trên các lĩnh vực, phát triển theo chiều sâu và bền vững
Nhiều gam màu sáng, tích cực
Số liệu của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III năm 2018 ước tính tăng 6,88% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 9 tháng năm 2018, GDP tăng 6,98% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây, cho thấy nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng và mở rộng năng lực, dự báo sẽ ở mức cận trên của mục tiêu Chính phủ đề ra là 6,5 – 6,7% và có thể vượt mốc 6,7%.
Trong đó, nông, lâm và thủy sản tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%, đóng góp 48,7% và khu vực dịch vụ tăng 6,89%, đóng góp 42,5%.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Thống kê, kinh tế – xã hội trong quý III và 9 tháng năm 2018 đạt nhiều kết quả tích cực. Nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu Quốc hội.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt khá, chăn nuôi lợn từng bước phục hồi. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đảm bảo vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Tình hình thực hiện vốn đầu tư có chuyển biến tích cực với nhiều năng lực sản xuất mới được bổ sung.
Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tiêu dùng tăng cao, xuất khẩu và thu hút khách du lịch quốc tế đạt khá. Tình hình giải quyết việc làm và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
9 tháng qua cũng đã chứng kiến sự tăng trưởng nổi bật của xuất khẩu hàng hóa, với kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 90,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhờ đó, cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2018 tiếp tục xuất siêu 5,39 tỷ USD.
GDP năm 2018 có thể tăng trưởng 6,7%
Kết quả từ các chỉ số báo kinh tế trong 9 tháng cho thấy, nền kinh tế tăng trưởng khá đồng đều trên các lĩnh vực theo hướng phát triển chiều sâu và bền vững.
Ông Trần Quốc Phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dù vẫn còn một số khó khăn, song tình hình kinh tế – xã hội năm 2018 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, dự kiến hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội giao. Trong đó, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch.
Đánh giá về tình hình kinh tế – xã hội năm 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm 2018 là năm bản lề và có ý nghĩa trong việc đánh giá, định hình lại Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020.
Báo cáo kinh tế thường niên Triển vọng Phát triển Châu Á do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố mới đây cũng nhận định, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2018, mặc dù có những thách thức trong và ngoài nước có thể tác động đến triển vọng tăng trưởng trong năm nay và năm sau.
ADB đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt 6,9%. Đồng thời cho rằng, nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt trong ngắn hạn nhờ nhu cầu nội địa được duy trì, điều kiện kinh doanh được cải thiện, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.
Bức tranh kinh tế năm 2019
Trên cơ sở dự báo 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phác họa kế hoạch năm 2019. Theo đó, dự kiến tổng sản phẩm trong nước GDP tăng khoảng 6,6 – 6,8% so với năm 2018. Tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4-5%.
Xuất khẩu hàng hóa dự kiến đạt khoảng 256 tỷ USD, tăng khoảng 7-8% so với năm 2018; nhập khẩu hàng hóa dự kiến khoảng 261 tỷ USD, tăng khoảng 10%; nhập siêu khoảng 5 tỷ USD, chiếm dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Mặc dù đưa ra những con số lạc quan nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý một số rủi ro, thách thức tới nền kinh tế Việt Nam năm 2019 như chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại giữa các quốc gia, nền kinh tế lớn kết hợp với yếu tố rủi ro địa chính trị, xu hướng bảo hộ thương mại nội địa…
Bên cạnh đó là những thách thức từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần bị suy giảm; trình độ phát triển khu vực kinh tế trong nước và khu vực kinh tế có vốn nước ngoài còn chênh lệch, nhất là trong xuất nhập khẩu.
Tuy vậy, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vẫn cho rằng, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 và năm 2020 dự báo tiếp tục khả quan, nhất là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh được củng cố.
Để đạt được những điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2019. Trong đó, đáng chú ý nhất là chủ trương tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh hơn nữa mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn trong từng ngành, lĩnh vực.
Theo VOV